Đến trưa 24/10, khoảng 130 tấn dầu đã được HaivanShip thu gom, hút từ các két của tàu VIETSUN INTEGRITY bị chìm trên sông Lòng Tàu.
Trưa 24/10, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, sáng cùng ngày, tại Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP.HCM, các đơn vị liên quan vẫn đang họp bàn để tìm phương án trục vớt tàu VIETSUN INTEGRITY chìm trên luồng Sài Gòn – Vũng Tàu.
Trong khi đó, thông tin từ hiện trường cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải biển Hải Vân (HaivanShip) đã hút và thu gom được khoảng 130 tấn dầu từ tàu chìm, trong đó, có 37 tấn dầu sạch, 33 tấn thu gom trên sông… Lượng dầu còn lại không nhiều (còn khoảng hơn 20 tấn trên tổng số 150 tấn dầu chứa trong các két của tàu chìm), tuy nhiên, việc thau rửa két nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường sẽ mất khá nhiều thời gian nên chưa thể kết thúc việc thu gom dầu trong ngày hôm nay.
Toàn cảnh giải cứu tàu chở 285 container chìm ở Cần Giờ
Hiện nay, HaivanShip tiếp tục dùng 3 lớp phao quay để khống chế toàn bộ lượng dầu rò rỉ. Hai thợ lặn của Công ty Trục vớt Cứu hộ (Visal) vẫn tiếp tục lặn vào bụng tàu để hỗ trợ việc hút dầu và khảo sát lập phương án tháo các container…
Toàn bộ số container trôi nổi đã được cố định, hiện còn 7 container đang đợi cẩu lên sà lan để đưa vào bờ.
Trao đổi với PV, một chuyên gia cảng biển gần khu vực xảy ra vụ chìm tàu cho biết, tắc luồng khiến các tàu phải đi tuyến xa hơn, chi phí nhiên liệu tăng. Một số tàu phải giảm tải ở khu vực khác rồi mới vào Cát Lái để lấy hàng làm phát sinh chi phí hàng hải. Chẳng hạn như hoa tiêu, lai dắt 2 lần, thủ tục hải quan cho hàng hoá cũng phát sinh… Lịch tàu xáo trộn, áp lực giao hàng hoá kịp thời tăng lên.
“Đặc biệt, đây đang đi vào thời kỳ cao điểm của xuất nhập khẩu hàng hoá (mùa cuối năm) nên càng gấp rút. Để có thể chạy tàu vào Cát Lái lấy hàng thì các hãng tàu có động thái giảm tải ở các cảng nước ngoài để đủ mớn nước vào theo các tuyến luồng tránh, cũng tác động đến việc vận hành tàu của các hãng tàu…”, vị này nói.
Báo giao thông